Hệ số lương cao nhất của giảng viên đại học công lập là bao nhiêu?

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Giảng viên đại học công lập có hệ số lương cao nhất là 8.0. Ảnh minh họa 

Mới đây, bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Thông thư chính thức có hiệu lực từ ngày 12/12/2020.

Theo Điều 2 của Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm:

Giảng viên cao cấp (hạng I) - mã số: V.07.01.01;

Giảng viên chính (hạng II) - mã số: V.07.01.02;

Giảng viên (hạng III) - mã số: V.07.01.03;

Trợ giảng (hạng III) - Mã số: V.07.01.23.

Ngoài quy định chung, mỗi hạng chức danh nghề nghiệp có quy định riêng về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Quy định xếp lương theo chức danh nghề nghiệp

Thông tư 40 quy định, việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định của pháp luật.

Theo đó, không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của luật chuyên ngành.

Viên chức được cơ sở giáo dục đại học công lập tuyển dụng theo quy định của pháp luật; đã thực hiện quy định về chế độ tập sự đối với viên chức và được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.

Viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn.

Về cách xếp lương: Cách xếp lương của giảng viên được quy định tại Điều 10 Thông tư này, các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Thủy Tiên (T/h)

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/chuyen-hoc-duong/he-so-luong-cao-nhat-cua-giang-vien-dai-hoc-cong-lap-la-bao-nhieu-a344235.html

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Giáo Dục
950 lượt xem

Bài viết liên quan