Sửa quy định quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư, quy trách nhiệm chủ đầu tư (bài cuối): Chủ đầu tư vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Qui định mới về phí bảo trì chung cư mang đến cho chính quyền địa phương quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn trong trường hợp chủ đầu tư chây ì, chiếm dụng khoản phí này của cư dân. Theo đó, thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí đã thu theo quy định tại khoản 1, Điều 36 của Nghị định này được thực hiện hết sức cụ thể.

Cư dân một khu chung cư tại TP. Hồ Chí Minh treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực thi quyền lợi của họ.

“Phớt lờ” chủ đầu tư

Tại Điều 37 về “Thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư” của Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng rõ ràng hơn về quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng và ban quản trị chung cư.

Đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo qui định, quy trình thủ tục cưỡng chế sẽ được bắt đầu sau khi Ban quản trị nhà chung cư đó có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.

Trong trường hợp này, theo quy định mới về thủ tục cưỡng chế, UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư không cần phải làm việc, bàn bạc hay trao đổi với phía chủ đầu tư như quy định trước đây. Thay vào đó, trong vòng 10 ngày nhận được văn bản đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin.

Tài khoản chủ đầu tư bị “rỗng”?

Nếu tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của chủ đầu tư không có tiền hoặc không còn đủ tiền thì UBND cấp tỉnh truy đến tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải cung cấp thông tin. Nếu tài khoản kinh doanh cũng không có tiền hoặc không còn đủ tiền thì truy tới các tài sản khác của chủ đầu tư để kê biên và bán đấu giá.

Thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo Nghị định 30/2021/NĐ- CP quy định cụ thể thời gian đối với từng công đoạn trong quy trình thủ tục. Cụ thể, đối với UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, trong vòng 10 ngày nhận được văn bản đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của chung cư đó.

Phía tổ chức tín dụng, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Căn cứ vào thông tin được tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Quyết định cưỡng chế này được gửi đến sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện chuyển giao kinh phí bảo trì.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy “ định của pháp luật.

Hoàng Mai

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3(55)

https://www.nguoiduatin.vn/dspl/sua-quy-dinh-quan-ly-kinh-phi-bao-tri-nha-chung-cu-quy-trach-nhiem-chu-dau-tu-bai-cuoi-chu-dau-tu-vi-pham-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-a362074.html

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/sua-quy-dinh-quan-ly-kinh-phi-bao-tri-nha-chung-cu-quy-trach-nhiem-chu-dau-tu-bai-cuoi-chu-dau-tu-vi-pham-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-a362074.html

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Kinh Doanh
3232 lượt xem

Bài viết liên quan