Vì sao Hà Nội không bố trí các điểm test nhanh COVID-19 tại sân Mỹ Đình cho khán giả?

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, việc không bố trí các điểm test nhanh COVID-19 tại sân Mỹ Đình bởi theo quy định khi khán giả vào sân phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tối 11/11, trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Tuy nhiên, hàng trăm khán giả dù có vé nhưng không thể vào sân do thiếu giấy xét nghiệm COVID-19 hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Xuất hiện thông tin cho rằng, để phục vụ khán giả vào sân xem trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) diễn ra vào tối nay, 16/11, Ban Tổ chức sẽ bố trí các điểm test nhanh COVID-19 tại sân Mỹ Đình.

vi sao ha noi khong bo tri cac diem test nhanh covid 19 tai san my dinh cho khan gia dspl 1

Hà Nội không bố trí các điểm test nhanh COVID-19 tại sân Mỹ Đình cho khán giả. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, tại cuộc họp đảm bảo công tác an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trước trận đấu, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, lãnh đạo Hà Nội thông tin sẽ không bố trí các điểm test COVID-19, bởi theo quy định của Ban Tổ chức, khi vào sân khán giả phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (có giá trị trong vòng 72 giờ) và tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Về việc kiểm soát khán giả vào sân xem trận bóng giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia, VietNamnet dẫn thông tin từ Thiếu tá Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho biết, trong trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia vào tối 16/11, C06 tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm soát khán giả vào sân bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Ban tổ chức quy định, khán giả đến xem trận bóng tại sân Mỹ Đình sẽ phải mang 4 loại giấy tờ, gồm: giấy tờ chứng minh nhân thân; vé xem bóng đá; thông tin tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng COVID-19; Giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ.

Sau khi C06 phối hợp với VFF, nếu người dân đã có dữ liệu trên hệ thống và sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử, lúc đó khi khán giả vào sân, thẻ CCCD này sẽ thay thế cho 2 loại giấy tờ khác, đó là: Dùng thẻ CCCD để quét mã QR nhằm xác thực thông tin của người dân; xác thực thông tin tiêm chủng 2 mũi vắc xin phòng COVID-19; xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ.

Như vậy, với khán giả có CCCD gắn chíp, khi vào sân chỉ cần cầm vé xem bóng đá và thẻ CCCD.

Liên quan đến sự việc, Dân Trí đưa tin, trước đó ngày 11/11, C06 đã phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công an Thành phố Hà Nội triển khai quét CCCD gắn chip bằng máy quét mã QR, liên thông với VNEID và PC - Covid, sử dụng kết nối 4G, bảo mật, tốc độ đọc dưới 3 giây phục vụ khán giả vào sân vận động Mỹ Đình nhằm góp phần thực hiện Nghị Quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Triển khai thực hiện, C06 đã tiến hành công tác tuyên truyền trên các báo đài để khán giả biết; thiết lập các dữ liệu vào máy quét mã QR, ứng dụng VNEID và kết quả kiểm soát khán giả vào sân vận động trong tối ngày 11/11.

Kết quả kiểm soát vào sân, có 6.016 khán giả sử dụng thẻ CCCD gắn chip, trong đó: Người sử dụng CCCD đã được tích hợp thông tin 2 mũi tiêm vaccine và Giấy xét nghiệm COVID-19 là hơn 3.000 người; Người sử dụng CCCD gắn chíp được tích hợp một mũi tiêm vaccine (xuất trình được Giấy xác nhận tiêm 2 mũi) và có Giấy xét nghiệm COVID-19 là hơn 1.600 người; Người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip chưa tích hợp thông tin mũi tiêm nhưng có giấy xét nghiệm COVID-19 và Giấy xác nhận 2 mũi tiêm là hơn 1.100 người.

Thủy Tiên (T/h)

https://www.doisongphapluat.com/vi-sao-ha-noi-khong-bo-tri-cac-diem-test-nhanh-covid-19-tai-san-my-dinh-cho-khan-gia-a519364.html

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Đời Sống
2814 lượt xem

Bài viết liên quan