Ngưng tim là gì? Xử lý ra sao khi mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn?

Ngưng tim là tình trạng mất đột ngột chức năng tim, nhịp thở và ý thức, thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước.

Theo Mayo Clinic, ngưng tim là tình trạng đột ngột mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức. Nguyên nhân có thể do hệ thống điện của tim gặp trục trặc, dẫn đến gián đoạn hoạt động bơm máu của tim, ngừng lưu thông máu đến cơ thể.

Ngưng tim đột ngột không giống như một cơn đau tim, khi dòng máu đến một phần của tim bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, một cơn đau tim đôi khi có thể gây ra rối loạn điện giải dẫn đến ngưng tim đột ngột. Nếu không được điều trị ngay lập tức, người bệnh dễ tử vong.

Trái lại, nếu nhận được sự chăm sóc y tế nhanh chóng (khoảng 4-5 phút đầu khi có dấu hiệu ngừng tim) và đúng cách như kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR), sử dụng máy khử rung tim, ép ngực thì có thể cải thiện cơ hội sống sót cho đến khi tiếp cận dịch vụ cấp cứu.

ngung tim la gi xu ly ra sao khi mac ket trong dam dong hon loan

Ngưng tim thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Ảnh minh họa

Khi rơi vào trạng thái tim ngừng đập, tính mạng nạn nhân được tính bằng phút. Do đó, mục đích cao nhất của việc cấp cứu bệnh nhân ngưng tim ngưng thở là cứu nạn nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong, phục hồi hoàn toàn quá trình tuần hoàn tự nhiên của cơ thể.

Ngưng tim thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu bị ngưng tim, nạn nhân có các dấu hiệu: Ngã quỵ đột ngột, mất mạch, ngừng thở, mất ý thức. Đôi khi, các dấu hiệu và triệu chứng khác xảy ra trước khi ngừng tim đột ngột, gồm khó chịu ở ngực, khó thở, yếu sức, tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (đánh trống ngực).

Làm cách nào để thoát nguy khi bị kẹt trong đám đông hỗn loạn?

Khi đám đông cùng lúc di chuyển theo một hướng, một số người có thể chen lấn và đè lên nhau. Điều này có thể trở nên rất nguy hiểm. Nhiều người vẫn nghĩ điều nguy hiểm trong đám đông là do giẫm đạp nhưng tình trạng thiếu oxy thường là nguyên nhân.

Theo Tiến sĩ Mark Conroy – bác sĩ y học cấp cứu ở Trung tâm Y tế Wexner Đại học bang Ohio (Mỹ), thông thường mọi người bị thương khi ngã hoặc bất tỉnh giữa đám đông hoặc bị ngạt thở.

Mặc dù “không có quy tắc vàng” nào nhưng vẫn có những phương pháp tốt nhất giúp bạn sống sót nếu rơi vào tình huống mắc kẹt trong đám đông. Dưới đây là một số mẹo mà bạn nên ghi nhớ:

Tìm hiểu về không gian xung quanh

Bạn nên dành khoảng 5 phút để tìm hiểu về không gian xung quanh nếu muốn đến các khu vực đông đúc, sự kiện nhộn nhịp. Đặc biệt, chú ý đến những điểm/hướng thoát hiểm hoặc chọn ra một số cửa sổ như một lựa chọn thay thế nếu bắt buộc. Theo các quy tắc an toàn, luôn có những biện pháp/hướng thoát hiểm ở bất kỳ khu vực công cộng nào.

Tìm những vị trí cao để đứng

Khi đám đông bắt đầu trở nên hỗn loạn và “cuộn lại” tạo thành sức mạnh to lớn có thể “nhấn chìm” bạn bất cứ lúc nào, dường như việc đứng yên ở một vị trí cao sẽ tốt hơn là xô đẩy để tìm đến các vị trí thoát hiểm.

Nếu ở trong nhà, bạn có thể đứng lên trên quầy bar, đồ nội thất hoặc bất kỳ thứ gì chắc chắn giúp bạn cao hơn. Trong trường hợp ở bên ngoài, bạn có thể tìm đến các cây cối cao và chắc chắn. Đừng cố gắng chạy theo đám đông mà không suy nghĩ, hãy đứng lên các vị trí cao, tận dụng thời gian để áp dụng biện pháp thoát hiểm để tự cứu mình.

Nếu không thể tìm thấy vị trí cao hoặc lối ra, hãy tiếp tục di chuyển theo đám đông vì nếu ngừng lại, bạn sẽ mất nhiều năng lượng hơn để "chống lại" đám đông. Bên cạnh đó, hãy cố gắng đứng lên thật nhanh nếu không may bị ngã.

Cố gắng giữ thăng bằng, đứng thật vững

Chuyên gia khuyên bạn phải đứng thật vững, nếu đi thì cố gắng đi cùng tốc độ với đám đông. The Jerusalem Post dẫn lời chuyên gia an toàn trong đám đông Paul Wertheimer cho hay bạn nên đứng so le chân để giữ thăng bằng và “thủ tay như võ sĩ quyền anh”. Trong những đám đông siêu chật, động tác đó sẽ giúp bảo vệ tim và phổi khỏi những lực ép có thể lên tới hàng nghìn kg áp lực đè nén lồng ngực.

Không nắm sấp hoặc nằm ngửa khi bị ngã

Nếu bị ngã, hãy làm mọi cách để đứng dậy và ngay lập tức giúp đỡ những người khác bị ngã. Trong trường hợp không thể đứng dậy, hãy đưa tay ôm đầu để bảo vệ đầu và co chân lên gần với cơ thể, giống như tư thế bào thai. Đặc biệt, hãy nằm nghiêng để bảo vệ các cơ quan quan trọng nhất.

Giữ bình tĩnh và tỉnh táo

Theo chuyên gia Wertheimer, bạn đừng la hét, không ai thực sự có thể nghe thấy bạn, trong trường hợp bị đám đông đè bẹp, la hét càng làm mất nhiều oxy. Mất oxy có thể dẫn đến ngất xỉu. Vì vậy, nếu cần, hãy cố ra dấu bằng tay, giao tiếp bằng mắt hoặc nét mặt.

ngung tim la gi xu ly ra sao khi mac ket trong dam dong hon loan1

Phải thật bình tĩnh nếu không may mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn. Ảnh minh họa

Thu ngắn cánh tay của bạn lại

Di chuyển trong một đám đông không phải chuyện dễ dàng và bạn cũng rất khó để thở được một cách thoải mái. Hãy tự tạo ra thêm một ít không gian cho riêng mình bằng cách thu ngắn cánh tay của bạn lại (đưa tay lên ngang cổ, đẩy người xung quanh ra bằng phần củi trỏ tay).

Việc làm này cũng giúp bạn điều hướng hướng đi để thoát khỏi đám đông. Ở tư thế như vậy, bạn có thể đẩy người khác ra, tạo thêm không gian và tự bảo vệ các cơ quan quan trọng của bạn nếu cần thiết.

Tránh các hành lang, con đường hẹp và mở

Các hành lang/con đường hẹp, mở và các góc là những vị trí nguy hiểm nhất. Mọi người không thể kiểm soát bản thân vì cơn sốt adrenaline (một loại hormone trong cơ thể) sẽ khiến bạn căng thẳng tột độ, không thể nghĩ được gì. Điều này khiến cơ hội thoát ra khỏi đám đông của bạn giảm đi đáng kể.

Khi cố gắng chạy đến các hành lang, con đường hẹp, bạn sẽ dễ dàng bị đẩy vào góc hoặc bị đẩy ngã. Khi đó, gần như không có ai sẵn sàng để giúp bạn cả.

Giao tiếp bằng ký hiệu khi đi cùng người quen

Giao tiếp bằng ngôn ngữ là việc không mấy khả thi trong đám đông hỗn loạn, thậm chí có thể khiến đám đông trở nên hoảng loạn hơn khi bạn cố gắng gọi/liên lạc với người quen ngày càng to.

Do đó, cần thật bình tĩnh và dùng ngôn ngữ ký hiệu để diễn giải điều muốn truyền đạt cho người quen của mình, chẳng hạn như chỉ tay, vẫy tay hoặc sử dụng mắt. Có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ khi hai người ở gần nhau nhưng cần giữ bình tĩnh trong lời nói.

Tìm một lối thoát khả thi

Trong khi mọi người cố gắng tìm đến những lối thoát hiểm "chính thống", bạn hãy cố gắng thoát bằng những lối thoát khác như cửa sổ, hàng rào... hoặc một cái cây. Lợi ích của việc này là có rất ít người sẽ "cạnh tranh" với bạn.

Nếu đánh rơi món đồ gì đó trong lúc di chuyển thì hãy bỏ đi, không nên quay lại nhặt. Rất nhiều người bị xô ngã và giẫm đạp do quay lại và nhặt đồ mình làm rơi.

Lưu ý, giữ các đám đông luôn xuất hiện những lối đi nhỏ khi mọi người cố gắng đẩy và bị đẩy ngược lại, hãy tận dụng lúc các lối đi này để thoát hiểm. Điều này giúp bạn tới được các vị trí thoát hiểm nhanh hơn.

Nên di chuyển ở ngoài rìa

Chuyên trang sức khỏe Verywell Health dẫn lời của chuyên gia về khoa học đám đông G. Keith Still, Giáo sư tại Đại học Suffolk (Mỹ) khuyên, hãy nhận biết được mật độ đám đông và nhận ra rủi ro.

Nếu cảm thấy lo lắng về quy mô của đám đông thì tốt nhất nên tránh xa. Theo chuyên gia Steve Allen, trưởng nhóm tư vấn về an toàn đám đông cho Crowd Safety (Anh), khu vực ở ngoài rìa sẽ an toàn hơn. Nếu thấy xô đẩy và chen lấn, tốt nhất là di chuyển ra xa và tránh đám đông.

Đinh Kim (T/h)

https://www.doisongphapluat.com/ngung-tim-la-gi-xu-ly-ra-sao-khi-mac-ket-trong-dam-dong-hon-loan-a555836.html

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Đời Sống
1252 lượt xem

Bài viết liên quan