Sau khi tập khoảng 300 động tác squat (bài tập đứng lên – ngồi xuống), bệnh nhân bị đau dữ dội 2 bên đùi, hông lưng, căng bắp chân nhiều, tiểu ít phải nhập viện gấp.
Bệnh nhân 29 tuổi, quốc tịch Ấn Độ vừa được xuất viện sau thời gian điều trị căn bệnh nguy hiểm.
Theo lời chia sẻ từ bệnh nhân, nam bệnh nhân đến Việt Nam làm huấn luận viên thể hình. Cách đây một tháng, bệnh nhân vận động quá sức và đã bị tổn thương suy thận mức độ 2a sau điều trị. Bệnh nhân được chuyển từ một bệnh viện khác tới trong tình trạng có chuẩn đoán tiêu cơ vân cấp.
Theo như lời bệnh nhân thì sau khi tập khoảng 300 động tác squat (bài tập đứng lên – ngồi xuống), bệnh nhân bị đau dữ dội 2 bên đùi, hông lưng, căng bắp chân nhiều, tiểu ít.
Squat 300 động tác nam thanh niên nhập viện vì bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh hoạ
ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nội khoa, Bệnh viện E, cho biết khi bệnh nhân được chuyển tới có tình trạng tiêu cơ vân cấp điển hình: suy thận, tăng CK máu, vô niệu, tăng chuyển hoá nặng.
Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định lọc máu. Sau 12 ngày lọc máu, bệnh nhân có nước tiểu trở lại. Bệnh nhân sau đó được xuất viện sau 3 tuần điều trị. Theo bác sĩ Phong, trước khi ra viện bệnh nhân vẫn còn tình trạng suy thận mức độ 2a (tổn thương cầu thận sau suy thận cấp tính).
Bác sĩ Phong cho hay việc tập luyện quá sức có thể để lại những hậu quả sức khoẻ mà ít ai có thể ngờ tới.
Bác sĩ Phong cũng lưu ý, sau khi hoạt động thể lực nếu có đau cơ, chuột rút, mệt nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt là dấu hiệu cơ thể đang có vấn đề. Ở giai đoạn này nếu ăn uống tốt, uống đủ nước, cơ thể có thể cân bằng lại chức năng thận.
Bên cạnh đó, bác sĩ Phong cũng cảnh báo người làm việc quá sức, làm việc trong môi trường nóng rất dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt khối lượng tuần hoàn, sốc, tiêu cơ vân cấp. Bác sĩ đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân làm thợ phụ hồ, do làm việc quá sức giữa trời trưa nắng sau đó choáng ngất và phải đưa vào viện trong tình trạng được chẩn đoán tiêu cơ vân, suy thận có chỉ định lọc máu.
Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ khi lao động và hoạt động thể lực, bác sĩ Phong khuyến cáo mọi người cần phải uống đủ nước. Tại bệnh viện đã ghi nhận trường hợp luyện tập thể thao không uống nước đã phải nhập viện cấp cứu.
ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nội khoa, Bệnh viện E
"Hoạt động thể lực cường độ cao, lao động quá sức dẫn tới mất nước qua hơi thở và mồ hôi. Mất nước sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt khối lượng tuần hoàn của cơ thể.
Vấn đề thứ 2, khi cơ phải hoạt động quá nhiều, thiếu khối lượng tuần hoàn sẽ dẫn tới không đủ cung cấp oxy và máu tới các vùng cơ. Điều này sẽ gây ra hiện tượng tổn hại, chết tế bào cơ. Quá trình tế bào cơ bị phân huỷ sẽ tạo ra các chất trung gian lắng đọng tại thận. Khi thận không thể đào kịp sẽ gây ra suy thận cấp", bác sĩ Phong phân tích.
Bác sĩ Phong lưu ý thêm, khi hoạt động thể lực cần phải cân nhắc tuỳ theo tình trạng sức khoẻ. Trong quá trình vận động cường độ cao cần phải đảm bảo uống đủ nước, điện giải để bù nước mất qua mồ hôi. Đối với người làm những công việc chân tay nặng nhọc ngoài trời cần phải bổ sung thêm nước, nghỉ ngơi khi trời nắng nóng gay gắt.
Bác sĩ Phong nhấn mạnh tất cả mọi người đều có thể gặp hiện tượng tiêu cơ vân cấp nếu hoạt động gắng sức với cường độ cao. Khi vận động thể thao cường độ cao, lao động cần dùng thể lực, nếu có những hiện tượng đau, mệt mỏi nhiều, huyết áp tụt, mọi người nên đi tới bệnh viện để được thăm khám.
Mộc Trà
Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)