Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/10/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 24/10/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Đi khám vì đau hạ sườn phải, người đàn ông nhận kết quả bất ngờ
VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận bệnh nhân N. V.Đ.(42 tuổi) vào viện khám vì đau hạ sườn phải.
Theo lời kể của người bệnh, khoảng một tháng nay, anh xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên bị mất ngủ, gầy sút 6kg trong 2 tháng, rối loạn đại tiện.
Bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh, nội soi dạ dày hình ảnh sùi loét hành tá tràng, siêu âm ổ bụng: hình ảnh khối u gan theo dõi tổn thương thứ phát. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B nhưng không điều trị, từng phát hiện mắc đái tháo đường cách đây 5 năm, đang điều trị Insulin, uống rượu thường xuyên, khoảng 100ml/ngày.
Đặc biệt bệnh nhân có anh trai, em trai của mẹ đều bị ung thư gan đã mất. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán ung thư gan nguyên phát.
Trong các yếu tố bệnh sinh của ung thư gan hiện nay, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt ở các nước Đông Á. Ảnh minh họa
Theo PGS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu -Bệnh viện Bạch Mai, đây là ca bệnh ung thư trên người trẻ. Bệnh nhân dù phát hiện viêm gan B trước đó nhiều năm và tiền sử gia đình có người thân bị ung thư gan nhưng chủ quan không đi khám chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và theo dõi. Chính vì lý do này, tại thời điểm chẩn đoán, bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, anh mất cơ hội được chữa khỏi.
Trong các yếu tố bệnh sinh của ung thư gan hiện nay, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt ở các nước Đông Á. Ở Việt Nam, tỷ lệ viêm gan B chiếm 8-10% dân số và chiếm 90% trong số các bệnh nhân ung thư gan.
Để phát hiện ung thư gan sớm, người bệnh cần chú ý các dấu hiệu sau: Vàng da, vàng mắt, cảm giác đau tức vùng gan, có thể sờ thấy khối u vùng hạ sườn, các dấu hiệu về tiêu hoá như biểu hiện như chán ăn, ăn không tiêu, chướng bụng, sụt cân bất thường, cơ thể mệt mỏi, ngứa ngoài da
Kịp thời cấp cứu bệnh nhân 72 tuổi bị đột quỵ não
VTV News đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa tiếp nhận điều trị kịp thời cho một người bệnh bị đột quỵ não. Theo đó, bệnh nhân T.X.N. (72 tuổi, trú tại Lê Chân, Hải Phòng) ở nhà đột ngột đau đầu, liệt nửa người trái, nói khó. Người bệnh có tiền sử đặt stent mạch vành cách đây 3 năm, tăng huyết áp rối loạn chuyển hóa lipid.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người bệnh nhanh chóng được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải. Người bệnh đã được can thiệp lấy huyết khối mạch máu não bằng dụng cụ cơ học.
Ngay sau can thiệp, bệnh nhân đã có thể vận động tốt tay chân bên trái, nói rõ hơn. Hiện tại, tình trạng của người bệnh đã ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ. Trường hợp này là một trong số nhiều ca bệnh đột quỵ khó, cao tuổi được can thiệp mạch não thành công kịp "giờ vàng" tại bệnh viện.
Theo TS.BS Phùng Đức Lâm - Trưởng Khoa Đột quỵ, thời gian vàng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ nằm trong 4,5 giờ, thông thường là 3 giờ đầu. Những người bệnh nhập viện sau 4,5 giờ thì gần như không được dùng thuốc tiêu sợi huyết vì sử dụng thuốc sau 4,5 giờ, tính hiệu quả của thuốc sẽ giảm.
Đây là một trong số nhiều ca bệnh đột quỵ khó, cao tuổi được can thiệp mạch não thành công kịp "giờ vàng" tại bệnh viện. Ảnh: VTV News
Đối với người bệnh bị tắc động mạch lớn vào sau 4,5 giờ, sẽ được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ cơ học vào mạch máu não để lấy cục huyết khối ra. Cửa sổ thời gian của kỹ thuật này dài hơn và nó có thể kéo dài trong 6 giờ.
Mức độ phục hồi sau tiêu sợi huyết và lấy huyết khối phụ thuộc vào thời gian đến sớm, nếu người bệnh đến can thiệp muộn sẽ có thể gây biến chứng phù não hay chảy máu lúc này phải phẫu thuật sọ giảm áp tuy nhiên vẫn để lại di chứng một số di chứng cho người bệnh.
Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ với đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ… bằng cách sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc đổi thuốc.
Đồng thời, vận động, tập luyện thể thao đều đặn, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh… Khi có dấu hiệu đột quỵ người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm để tránh di chứng.
Loại bỏ khối tổn thương gây nên bệnh động kinh cho cô gái 19 tuổi
Theo báo Nhân Dân, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết ekip các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh vừa phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối tổn thương gây ra cơn động kinh cho nữ bệnh nhân L.T.H.N (19 tuổi, trú huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Người nhà bệnh nhân cho hay, cách đây ba năm, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những cơn mất ý thức khoảng 2-3 cơn/tuần. Gần đây, bệnh nhân lên cơn co giật toàn thể, được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, được chẩn đoán động kinh và cho uống thuốc điều trị.
Sau thời gian điều trị, bệnh nhân về nhà và đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua chụp MRI phát hiện khối tổn thương thái dương trái, đo điện não đồ giấc ngủ, chẩn đoán động kinh thái dương trong bên trái do khối tổn thương này gây nên.
Bệnh nhân tiếp tục được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Qua kết quả chụp MRI, đo điện não đồ video, điện não giấc ngủ, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối tổn thương gây nên bệnh động kinh.
Bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Nhân Dân
Bệnh nhân được đánh giá trước phẫu thuật với sự phối hợp của các chuyên khoa, thực hiện các test đánh giá tâm thần kinh, các test về trí nhớ, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phẫu thuật động kinh từ Thái Lan, bác sĩ nội thần kinh Bệnh viện Trung ương Huế.
Ekip đã thống nhất phương án phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc sang thương và hạnh nhân (Amydala), bảo tồn các vùng não chức năng khác cho bệnh nhân. Với các trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật như: hệ thống định vị thần kinh trong mổ (Navigation), theo dõi thần kinh trong mổ (IOM), máy tán hút siêu âm (Cusa) và thực hiện đo điện não đồ bề mặt trong mổ.
Bác sĩ CKII Trà Tấn Hoành - Trưởng khoa Ngoại thần kinh chia sẻ, động kinh là căn bệnh phổ biến thứ 2 trong các rối loạn tâm thần kinh. Các bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc chống động kinh, tuy nhiên có hơn 30% bệnh nhân kháng thuốc. Phẫu thuật động kinh là một trong những lựa chọn có thể điều trị dứt điểm hoặc giảm nhẹ động kinh cho bệnh nhân.
Với bệnh nhân này, do khối u nằm thái dương giữa có cấu trúc phức tạp, xung quanh có nhiều mạch máu, vùng não chức năng quan trọng nên khó khăn trong việc lấy hết tổn thương mà vẫn phải bảo tồn các cấu trúc chung quanh.
Ca mổ được đánh giá bài bản, đầy đủ trước phẫu thuật và sau hơn 3 giờ phẫu thuật, đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây cơn động kinh, bảo tồn các vùng não chức năng của bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, không có cơn co giật, không có khiếm khuyết thần kinh sau mổ, tiếp tục được theo dõi theo chương trình quản lý bệnh nhân động kinh.
Đinh Kim (T/h)
Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)