Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người: "Cơ hội để động viên, khích lệ bà con bảo tồn làn điệu của dân tộc"

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu, năm 2023 là cơ hội để động viên, khích lệ bà con bảo tồn làn điệu của dân tộc.

Chiều 23/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu, năm 2023.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu là sự kiện nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Theo bà Thuỷ, ngày hội năm nay sẽ lấy chủ đề Bảo tồn, phát huy và lan toả bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc rất ít người, góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đời sống - Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người: 'Cơ hội để động viên, khích lệ bà con bảo tồn làn điệu của dân tộc'

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu ngày 3 - 5/11

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải khẳng định thông qua việc tổ chức thành công Ngày hội và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2023, tỉnh mong muốn Lai Châu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để Lai Châu tăng cường quảng bá về vùng đất, văn hoá, con người Lai Châu và Việt Nam tươi đẹp đến với du khách.

Thông tin thêm về Ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) cho hay Ngày hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các Ban, Bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Ngày hội diễn ra từ ngày 3 - 5/11, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu với sự tham gia của các các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái; đến từ 11 tỉnh gồm Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum.

Đời sống - Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người: 'Cơ hội để động viên, khích lệ bà con bảo tồn làn điệu của dân tộc' (Hình 2).

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ

Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra lúc 20h ngày 3/11 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Lai Châu.

Trong chuỗi các hoạt động, ngoài Lễ dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu, lễ khai mạc và bế mạc, Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; liên hoan văn nghệ quần chúng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người…

Dịp này, ban tổ chức cũng sẽ tổ chức gặp mặt, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công, cùng với Ngày hội, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Du lịch – Văn hoá Lai Châu năm 2023 gồm không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng trà, sâm, lan và sinh vật cảnh của Lai Châu; tổ chức Giải đua mô tô mở rộng lần thứ nhất tại huyện Tân Uyên; đăng cai tổ chức Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng lần thứ II; đoàn famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước…

“Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lai Châu cùng các tỉnh tham dự Ngày hội đã xác định đây là cơ hội để động viên, khích lệ bà con thuộc cộng đồng các dân tộc tham gia công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu của dân tộc mình. Ngoài huy động sự tham gia của nghệ nhân, diễn viên quần chúng, BTC sẽ lựa chọn cách dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng để phát huy tối đa hiệu quả trong tôn vinh các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc có số dân dưới 10.000 người”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thứ trưởng nêu rõ ý tưởng xuyên suốt lễ khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thông qua các hoạt động trình diễn, quảng bá.

Mộc Trà

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-co-so-dan-duoi-10-000-nguoi-co-hoi-de-dong-vien-khich-le-ba-con-bao-ton-lan-dieu-cua-dan-toc-a596325.html

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Đời Sống
5442 lượt xem

Bài viết liên quan