Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, việc duy trì nhiều bộ SGK và để người học lựa chọn SGK là việc rất tiên tiến, tiến bộ cho việc đổi mới tư duy về giáo dục đào tạo.
Chúng ta đã bước sang năm thứ tư triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thế nhưng, đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nên hay không để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK).
Bên hành lang Quốc hội sáng 25/10, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu đoàn Hà Nội.
NĐT: Mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến yêu cầu làm có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, thế nhưng cũng không ít quan điểm lo ngại rằng việc này sẽ gây lãng phí, gây lúng túng khó khăn trong quá trình chọn lựa SGK, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Việc biên soạn thêm một bộ SGK hay dùng nhiều bộ sách, theo tôi đây không phải chỉ tính chuyện có lãng phí hay không mà quan trọng nhất là chúng ta đang hướng tới mục tiêu của giáo dục là gì?
Tôi thấy rằng, Nghị quyết 88 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã thông qua là một Nghị quyết hết sức tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra một môi trường giáo dục khai phóng, tạo ra một tự do cho người học phải lựa chọn kiến thức và tạo lập kiến thức cho mình. Vì vậy, cần phải có nhiều bộ sách chứ không chỉ một bộ sách.
ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).
Người học có quyền lựa chọn các cách thức tiếp cận của mỗi bộ sách và khi đấy SGK không được coi như kinh thánh, phải học thuộc từng từ, từng chữ trong sách. Điều đó, giúp cho người học tự tạo ra cho mình được tri thức, nhận thức và sẽ tự thể hiện được ý chí của mình chứ không “học vẹt”.
Như vậy, việc duy trì nhiều bộ SGK và để người học lựa chọn SGK là việc rất tiên tiến, tiến bộ cho việc đổi mới tư duy về giáo dục đào tạo.
NĐT: Thậm chí có ý kiến lo ngại nguy cơ trở lại tình trạng độc quyền như trước đây nếu Bộ biên soạn thêm một bộ SGK?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Việc cần có một bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thì phải được cân nhắc kỹ. Bởi lẽ, khi cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xây dựng lên một bộ sách thì người ta sẽ ngầm hiểu rằng bộ sách đấy là bộ sách được chỉ định. Và khi đã được chỉ định như thế thì yếu tố tự do về mặt tư tưởng, lựa chọn, tôn trọng sở thích, mong muốn và cách tiếp cận của mỗi một người học gần như không còn nữa. Có nguy cơ trở thành độc quyền sách giáo khoa. Nên chúng ta phải hết sức cân nhắc việc này.
NĐT: Rõ ràng, một chương trình nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng, vậy theo ông việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đã được triển khai như thế nào? Nếu thay đổi giữa chừng sẽ gây ra những hệ lụy gì?
Nếu đang đi giữa chừng mà thay đổi về mặt chiến lược thì nhiều khi làm phá vỡ chương trình.
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chúng ta mới bước sang năm thứ 4 của quá trình triển khai, nhưng lộ trình để thay đổi được sách và chương trình giảng dạy không phải là 4 năm, mà quá trình 10 năm kéo dài từ năm đầu tiên vào lớp đến năm cuối cùng ra trường. Cho nên, phải xác định rõ hướng đi đã đúng hay chưa? Phải kiên định với hướng đi đó.
Nếu đang đi giữa chừng mà thay đổi về mặt chiến lược thì nhiều khi làm phá vỡ chương trình. Đồng ý rằng, những bộ SGK hiện tại có thể còn có những yếu tố chưa được hoàn hảo. Nhưng, tôi cho rằng đấy không phải là vấn đề quan trọng, bởi SGK không phải bắt người học học theo đúng như sách mà quan trọng phải gợi lên nội dung, gợi lên tri thức để người học hiểu và trở thành kiến thức của người học, để người học diễn đạt được thành ý của mình.
Quan trọng nhất phải tìm ra xem quá trình thực hiện chương trình SGK này đang hổng ở chỗ nào, tôi cho rằng cái hổng lớn nhất là vấn đề năng lực của đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để chuyển tải được tinh thần chúng ta hay chưa?
Bây giờ dạy không cần theo một cuốn sách nào cả, tinh thần của nhiều bộ sách là như thế, người giáo viên đến lớp dạy không phải lệ thuộc vào một quyển sách mà phải dạy theo nội dung.
Thậm chí, ngày hôm nay đến lớp có một sự kiện ở xã hội đang rất nóng thì giáo viên phải dùng ngay nội dung đó để đưa ra giảng dạy, nhưng phải truyền tải được về mặt tri thức là gì.
Như vậy, không phải là dạy theo một quyển sách, đừng nên chạy theo chuyện phải sửa bài này giống như trong sách mà phải đào tạo giáo viên, tăng cường năng lực của giáo viên. Đồng thời, phải tăng cường được nhận thức của xã hội, người học về tư tưởng đổi mới giáo dục.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Liệu có gây xáo trộn, khó khăn? ĐBQH Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An): Trước khi tính đến việc có cần một bộ sách do Bộ biên soạn hay không, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và đánh giá những tác động có thể xảy ra, cùng với đó, nghiên cứu thêm các tác động, ảnh hưởng khác. Thực tế, các bộ sách hiện nay cũng đã đáp ứng được yêu cầu của học sinh, nhu cầu của giáo viên. Đặc biệt, phải tính đến lộ trình thực hiện chương trình mới, chỉ còn một năm sau nữa là chúng ta đã hoàn tất chu trình đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những kết quả bước đầu đã cho thấy sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên khi lựa chọn, sử dụng các bộ sách. Liệu thời điểm này biên soạn thêm một bộ sách có gây xáo trộn, khó khăn không? |
Theo Người đưa tin
Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)