Tại ngày 30/6/2023, vốn điều lệ của Chứng khoán DNSE là 3.000 tỷ đồng, trong đó nhóm Encapital Fintech - Encapital Holdings lần lượt nắm giữ 65% và 28,29%.
Ngày 27/9 vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE (DNSE) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Thời gian thực hiện dự kiến được thực hiện trong quý 4/2023 đến quý 1/2024.
Theo đó, DNSE muốn chào bán 30 triệu cổ phần, tương ứng với 10% số cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu. Con số này cao gấp 2,8 lần giá trị sổ sách ghi nhận trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 (10.756 đồng/cổ phiếu).
DNSE kỳ vọng sẽ thu về tối thiểu 900 tỷ đồng từ đợt IPO. Số tiền thu về sẽ được công ty này sử dụng để bổ sung vốn cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán (50%), giao dịch ký quỹ; bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán, đầu tư các giấy tờ có giá trên thị trường (40%); bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống và vốn lưu động (10%).
Trước đó vào ngày 10/8, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của DNSE đã thông qua về kế hoạch tăng vốn điều lệ và phương án IPO. Theo đó, DNSE dự kiến phát hành thêm 36 triệu cổ phiếu để thực hiện tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 3.360 tỷ đồng. Bên cạnh 30 triệu cổ phiếu IPO, công ty dự kiến sẽ phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Báo cáo tài chính giữa niên độ của Chứng khoán DNSE ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 27%, lên mức 326,9 tỷ đồng. Trong đó, khoản lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng tới hơn 44%, đạt 145 tỷ đồng, tương ứng tăng 67,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Chứng khoán DNSE đã lãi lớn từ việc bán các tài sản tài chính cổ phiếu niêm yết, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu đã, đem về cho doanh nghiệp hơn 57,7 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, Chứng khoán DNSE báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 đạt 90,4 tỷ đồng; tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Năm 2023, DNSE kỳ vọng doanh thu thuần và lãi trước thuế lần lượt đạt 1.056 tỷ đồng và 177 tỷ đồng. Với kết quả lãi trước thuế bán niên 2023 là 112.5 tỷ đồng, DNSE đã thực hiện được 64% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chứng khoán DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam, được thành lập vào năm 2007.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán DNSE ở mức 7.088 tỷ đồng, tăng thêm 679 tỷ đồng so với số đầu năm. Bóc tách dữ liệu cho thấy, DNSE đang nắm giữa cổ phiếu của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Ngân hàng Sacombank,...Ngoài ra, Chứng khoán DNSE cũng có khoản đầu tư trị giá 280 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Ba Huân – doanh nghiệp nổi danh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối trứng.
Ngày 14/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 805/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE (địa chỉ trụ sở chính tại tầng 6, tòa nhà Pax Sky, 63-65 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với số tiền phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng. Trước đó, tại ngày 18/1/2022, Công ty cho 4 tài khoản đặt lệnh mua thỏa thuận chứng khoán khi không có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.
Hiện Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE là doanh nhân Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 1986). Ông Nguyễn Hoàng Giang được coi là vị CEO trẻ nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VNDirect vào năm 2010 – thời điểm ông mới 24 tuổi.
Nhóm cổ đông nào đang sở hữu Chứng khoán DNSE?
Chứng khoán DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam, được thành lập vào năm 2007 nhưng chỉ thực sự “lột xác” khi bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông gồm Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital (Encapital Fintech) và Công ty Cổ phần Encapital Holdings (Encapital Holdings).
Pháp nhân Encapital Holdings là công ty mẹ của Encapital Fintech, Chứng khoán DNSE và CTCP Thanh toán ENPAY. Tại ngày 30/6/2023, vốn điều lệ của Chứng khoán DNSE là 3.000 tỷ đồng, trong đó nhóm Encapital Fintech - Encapital Holdings lần lượt nắm giữ 65% và 28,29%.
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2023, Encapital Holdings báo lãi sau thuế đạt 10,4 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2022 doanh nghiệp này báo lỗ ròng 43 tỷ đồng, trong khi năm 2021 báo lãi 70,9 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Encapital Holdings ở mức 1.606 tỷ đồng, tăng gấp hàng trăm lần so với số vốn ban đầu 7,38 tỷ đồng (thời điểm mới thành lập vào tháng 5/2020). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,12; tương ứng với khoản nợ phải trả là 6.621 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu là 257 tỷ đồng.
Còn với Encapital Fintech, theo dữ liệu từ Cục Đăng ký Giao dịch đảm bảo (Bộ Tư Pháp), vào tháng 6/2023, CTCP Capella Group đã sử dụng hơn 1,3 triệu cổ phần của Encapital Fintech thuộc sở hữu của công ty, để làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Ngân Hàng TMCP Việt Á (VietABank). Nên biết, Capella Group được thành lập từ năm 2015 và ít nhiều có mối liên hệ với giới chủ của Ngân hàng VietABank.
Hiếu Nguyễn
Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)