Công tác mua sắm công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã thực sự hiệu quả?

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tổ chức đấu thầu hàng trăm gói với tổng giá trị gần 245 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Bệnh viện này đang để lại những băn khoăn khi 2 gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn giá nhập khẩu hàng tỷ đồng.

Gói thầu tiết kiệm mức tượng trưng cho ngân sách

Hiện tại, nhằm tránh việc "thổi giá" giá trị thực của sản phẩm/danh mục đấu thầu, pháp luật đã đưa ra nhiều quy định. Điển hình, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải nghiêm túc thực hiện Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Đấu thầu.

Theo đó, pháp luật quy định cần các đơn vị có chuyên môn đứng ra thẩm định giá trị gói thầu. Ngoài ra, đơn vị thẩm định còn kiểm tra tính pháp lý, đúng đắn của dự toán có phù hợp với quyết định đấu thầu của cơ quan mời thầu, qua đó, xây dựng căn cứ sau thẩm định để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, thực hiện gói thầu đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch, tiết kiệm,…

Tuy đã quy định rất cụ thể nhưng thời gian qua, việc áp dụng và thực thi luật Đấu thầu còn nhiều bất cập khi nhiều vụ việc nâng khống giá trị hàng hóa để trục lợi ngân sách bị cơ quan chức năng phanh phui, gây bức xúc trong dư luận.

Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu quy trình thẩm định giá tại các gói thầu do nhiều sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Trong chuyên đề này, PV có nghiên cứu công tác đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Ngày 20/12/2022, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên là Ths.Bs.CKII Phạm Văn Mẫn ký Quyết định số 862/QĐ-BVT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm thiết bị y tế thiết yếu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Kinh doanh - Công tác mua sắm công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã thực sự hiệu quả?

Quyết định số 862/QĐ-BVT do ông Phạm Văn Mẫn ký.

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Y tế Nhất Minh - Công ty TNHH xuất nhập khẩu thiết bị y tế Vimedimex - Công ty TNHH Thương mại Topline. Gói thầu có giá dự toán 15.645.500.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm tỷ, sáu trăm bốn mươi lăm triệu, năm trăm nghìn đồng), giá trúng thầu 15.638.800.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm tỷ, sáu trăm ba mươi tám triệu, tám trăm nghìn đồng). Như vậy sau đấu thầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiết kiệm được số tiền vỏn vẹn 6.700.000 đồng cho ngân sách Nhà nước, đạt tỉ lệ 0,04%.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc tiết giảm ngân sách cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu, phê duyệt kinh phí cho gói thầu. Ngoài việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực về chuyên môn và tài chính, chủ đầu tư cũng cần thực hiện đúng quy trình, khách quan, minh bạch, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách.

Hiện tượng “đội giá” xuất hiện không chỉ ở 1 gói thầu

Quá trình nghiên cứu sản phẩm được mua trong gói thầu trên, phóng viên nhận thấy có hiện tượng chênh lệch giá rất lớn so với mức giá nhập khẩu. 

Ví dụ như, máy siêu âm tổng quát (Ký hiệu: Arietta 50 (phiên bản Arietta 50LE); Fujifilm Healthcare - Nhật Bản) được nhà thầu cung cấp cho Bệnh viện với giá 890.000.000 đồng. Nhưng theo PV tìm hiểu, giá nhập khẩu chiếc máy này chỉ 403.568.007 đồng, chưa bằng ½ giá trúng thầu. Với số lượng 2 máy, tổng số tiền chênh lệch là 972.863.986 đồng.

Hay, máy đo áp lực nội sọ (Kí hiệu: PSO-4000; Sophysa/Pháp) có giá tại gói thầu là 662.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên có được, sản phẩm này được nhập bằng đường hàng không từ Pháp về Việt Nam chỉ 201.026.450 đồng, thấp hơn giá tại gói thầu 460.973.550 đồng. Tổng số tiền chênh lệch của 2 máy đo áp lực nội sọ là 921.377.224 đồng.

Tương tự, máy siêu âm xách tay 3 đầu dò (Versana Active; GE Medical Systems (China) Co,, Ltd,/Trung Quốc), bơm tiêm điện tự động (TE-SS730 ; Terumo Corporation/Nhật Bản), máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số (BSM-3562; Nihon Kohden - Nhật Bản) được bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên phê duyệt trúng thầu với giá lần lượt là 890.000.000 đồng, 24.000.000 đồng, 169.800.000 đồng. Thế nhưng, những thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam chỉ có giá 432.129.590 đồng, 13.170.889 đồng, 93.586.875 đồng.

Như vậy, với nhu cầu mua sắm 1 máy siêu âm xách tay 3 đầu dò, 38 bơm tiêm điện, 6 máy theo dõi bệnh nhân, tổng số tiền chênh lệch cao hơn so với giá nhập khẩu lần lượt là 457.870.410 đồng, 411.506.218 đồng và 457.278.750 đồng.

Quá trình khảo sát ngẫu nhiên 7/14 thiết bị được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá cao hơn nhập khẩu số tiền hơn 3,9 tỷ đồng (chưa có thuế). Nếu tính thêm 10% thuế VAT và nhập khẩu, tổng số tiền chênh lệch khoảng 3,5 tỷ đồng.

Kinh doanh - Công tác mua sắm công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã thực sự hiệu quả? (Hình 2).

Bảng so sánh giá do phóng viên thực hiện.

Phóng viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm gói thầu khác của đơn vị này. Ngày 14/4/2022, Giám đốc Phạm Văn Mẫn cũng là người ký Quyết định số 264/QĐ-BVT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm thiết bị phục vụ công tác gây mê phẫu thuật, cấp cứu và lọc máu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Đơn vị trúng thầu tiếp tục là 2 nhà thầu đã tham dự và trúng thầu ở gói trên, đó là Liên danh Công ty TNHH xuất nhập khẩu thiết bị y tế Vimedimex và công ty TNHH Thương mại Topline. Gói thầu có giá dự toán 11.333.000.000 đồng (hơn 11,3 tỷ đồng), giá trúng thầu 11.189.000.000 đồng (hơn 11,1 tỷ đồng). Như vậy sau đấu thầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiết kiệm được số tiền 144.000.000 đồng cho ngân sách, đạt tỉ lệ 1,27%.

Qua tìm hiểu tất cả sản phẩm có trong gói thầu, PV nhận thấy giá đều có sự chênh lệch so với giá nhập khẩu từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử như máy thận nhân tạo (Hãng sản xuất: B.Braun; Xuất xứ: Đức) được mua với giá 379.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi so sánh với giá nhập khẩu của thiết bị có cùng ký mã hiệu, hãng sản xuất, xuất xứ lại chỉ có giá dao động trong khoảng 145-150 triệu đồng (chưa bao gồm thuế). Nếu tính trên 12 chiếc và 10% thuế, tổng số tiền chênh lệch thấp hơn so với giá trúng thầu là hơn 2,6 tỷ đồng.

Hay sản phẩm Bàn mổ (Bàn mổ đa năng điện thủy lực) có xuất xứ Ba Lan, giá trúng thầu 550.000.000 đồng. Nhưng theo PV tìm hiểu, giá nhập khẩu của sản phẩm này (có cùng ký hiệu, hãng sản xuất, xuất xứ) khi về Việt Nam vào tháng 2/2023 chỉ 226.308.345 đồng (chưa bao gồm các loại thuế). Với nhu cầu mua sắm 4 chiếc, tổng số tiền chênh lệch cao hơn so với giá nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ đồng (sau khi trừ thuế).

Kinh doanh - Công tác mua sắm công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã thực sự hiệu quả? (Hình 3).

Tổng số tiền chênh lệch của tất cả sản phẩm có trong gói thầu lên tới hơn 6 tỷ đồng. Bảng so sánh giá sản phẩm do PV thực hiện.

Dẫu biết rằng, để bàn giao tới chủ đầu tư thì nhà thầu còn phải “gánh” thêm một số chi phí khác như vận chuyển, kho bãi... Bên cạnh đó, sản phẩm nhập khẩu mà PV so sánh ở trên trùng model, xuất xứ, hãng sản xuất với thiết bị trong gói thầu, nhưng có thể phía Bệnh viện sẽ phải chi phí thêm các phần phụ trợ khác. Thế nhưng, số tiền chênh lệch của 2 gói thầu lên tới hơn 9,5 tỷ đồng là rất đáng suy ngẫm.

Để rộng đường dư luận, trên tinh thần trao đổi thông tin thiết thực về giá trị hàng hóa, giúp công tác đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên hiệu quả hơn, PV đã liên hệ với đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết nối, đoàn luật sư TP. Hà Nội), hiện tại, pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ về đấu thầu, luật về giá, thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị trúng thầu, năng lực nhà thầu và đặc biệt quy định rất rõ ràng về giá đấu thầu.

Giá gói thầu được xác định là giá trị của gói thầu đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư theo quy định tại khoản 16, Điều 1, luật Đấu thầu 2013. Việc tính giá thầu được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng và được thẩm định bởi đơn vị thẩm định giá tài sản.

Do đó, luật sư Hùng cho rằng, trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá có đúng hay không? Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế, trong trường hợp này cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Theo quy định, nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Theo Điều 222, hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm; Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm…

Thuận Nguyễn - Ngọc Bảo

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-tac-mua-sam-cong-tai-benh-vien-da-khoa-tinh-dien-bien-da-thuc-su-hieu-qua-a596638.html

Trích Nguồn Báo điện tử Đời sống & Pháp luật (http://www.doisongphapluat.com)

Đã đăng bởi HayXem.VN trong mục Kinh Doanh
5118 lượt xem

Bài viết liên quan